Giay dep - Du Xuân, ai cũng số gắng chăm chút cho được những bộ quần áo và những đôi giày thật đẹp. Kiểu dáng và màu sắc là những yếu tố quyết định khiến người ta bỏ tiền ra để mua một đôi giày. Chất liệu và kích cỡ phù hợp là hai tính chất để người ta lựa chọn. Còn yếu tố cuối cùng ít người quan tâm kể cả các nhà sản xuất đó là đôi giày ấy có lợi cho sức khỏe người tiêu dùng hay không. Có những đôi giày rất đẹp nhưng khi mang vào chân gây cảm giác khó chịu hoặc đau đớn...
Y học từ lâu đã biết nhiều chứng bệnh đau nhức của bàn chân hay đầu gối là do giày dép, cũng như người ta cũng đã biết nghiên cứu các đôi giày dùng để điều trị cho một số bệnh đau nhức hay dị tật, biến dạng của đôi chân. Làm sao để chọn được một đôi giày phù hợp với chân mình là một câu hỏi của không ít người.
Giày
Người ta làm giày để tránh khỏi những vật cứng nhọn trên mặt đất có thể gây ra thương tích nhằm bảo vệ đôi bàn chân. Mọi vật lliệu điều được tận dụng để làm giày như da thú, vải, gỗ, lá cây, tre nứa… Ngày này, giày dép được làm từ nhiều chất liệu khác nhau như cao su thiên nhiên, chất dẻo tổng hợp, vải, da động vật, nhựa giả da…
Vật liệu tự nhiên ít gây dị ứng da hơn vật liệu tổng hợp. Dù làm bằng gì đi nữa thì giày làm ra phải đảm bảo vừa đủ cứng để bảo vệ gan chân, vừa phải mềm dẻo để bàn chân có thể cử động linh hoạt khi đi lại, chạy nhảy. Cho đến nay chưa có đôi giày nào hoàn hảo cho mọi chức năng của con người.
Chính vì thế người ta chế ra những đôi giày cho những nhu cầu khác nhau như sinh hoạt, lao động, thể thao… cũng như cho từng lứa tuổi giới tính. Gót giày càng rộng thì bước đi càng vững chắc. Gót nhọn sẽ tạo dáng đi lắc lư nhiều. Người càng nặng thì gót giày càng phải rộng. Gót giày quá cao sẽ làm các cơ bắp chân làm việc nhiều hơn rất nhiều để giữ thăng bằng cho cơ thể khi đi đứng.
Thời gian mang giày càng dài, bắp cơ sẽ càng mệt mỏi gây ra chứng đau bắp chân. Đó là chưa kể vấp té bị bong gân, trật khớp, gãy xương hai mắt cá hoặc nền xương bàn… Vì thế trong sinh hoạt hàng ngày người ta tránh mang giày gót cao và nhọn quá 7cm.
Trẻ dưới 8 tuổi: gót bằng.
Trẻ từ 8-10 tuổi: gót giày không cao quá 2cm.
Trẻ gái trên 10 tuổi: gót giày không quá 3,5cm.
Phụ nữ: gót cao không quá 7cm và không nên thấp hơn 3cm.
Đàn ông và bé trai trên 10 tuổi: gót cao không quá 3cm.
Mũi giày: mũi giày nhọn sẽ tạo lực ép lên các ngón chân, nhất là ngón út và ngón cái. Nó làm vẹo ngón cái và bán trật khớp ngón út. Ngoài ra nó còn gây chèn ép nhánh thần kinh đi, chèn ép nhánh thần kinh đo giữa các xương bàn bị tổn thương gây đau nhức và tê chân, gọi là hội chứng Morton.
Những chứng bệnh này điều trị khó khăn, cho kết quả hạn chế. Chính vì thế cần phòng tránh là tốt nhất. Mũi giày ngắn cũng có thể làm các ngón chân đau nhức. Lâu ngày tạo thành ngón quặp. Mũi giày tốt là mũi giày chếch nhẹ lên trên, ôm vừa khít các ngón chân. Người mang giày không bị cấn đau khi cử động các ngón chân. Mũi giày cứng dùng cho va chạm vật cứng, nhọn. Mũi giày mềm hay hở ngón chân giúp thoải mái thông thoáng các ngón chân.
Vòm đế giày: Bình thường bàn chân có cấu trúc hình vòm ở cạnh trong. Nhờ đó khi bạn nhảy bàn chân có được độ nhún, giúp giảm áp lực lên xương gót và xương bàn. Chính vì thế người ta lót cao hoặc làm cạnh trong của giày cong hơn cạnh ngoài. Thường người ta làm thêm cấu trúc này cho các loại giày thể thao hoặc giúp chữa cho những người có tật bàn chân bằng.
Miệng giày: Cần có lớp lót đệm êm xung quanh thành miệng giày để tránh sây sát da quanh gân gót và mắc cá. Miệng giày thấp hơn mắc cá mang vào có cảm giác dễ chịu hơn vì cổ chân cử động thoải mái. Vì vậy, loại này rất thông dụng. Loại cao hơn mắc cá giúp bảo vệ cổ chân tốt hơn, còn gọi là giày ủng, giày botte hay dùng trong quân đội.
Cỡ giày: Gọi là vừa vặn khi nó ôm khít bàn chân nhưng vẫn cho phép ngón chân, bàn chân và cổ chân cử động dễ chịu. Bình thường hai bàn chân không hoàn toàn giống nhau về cấu trúc và kích thước. Chính vì thế khi thử giày chúng ta thường có cảm giác bên được, bên khó chịu. Đôi lúc, thợ giày phải điều chỉnh lại một số chi tiết cho giày phù hợp với chân của người mua.
Vớ: Mang giày nên mang vớ. Vớ giúp bao phủ da chân tiếp xúc trực tiếp với giày. Vớ có thể dễ dàng thay hoặc giặt sạch được, còn giày thì khó hơn. Vớ còn tạo khoảng hở thông thoáng, giúp thoát mồ hôi. Nó ôm sát da chân nên có tác dụng giữ ấm bàn chân. Loại vớ thun còn giúp hồi lưu tĩnh mạch, giảm bớt chứng sưng phù chân do suy tĩnh mạch khi đi đứng nhiều và kéo dài. Vớ được làm các loại sợi thiên nhiên như bông vải, len vì nó có tính chất hút ẩm cao, ít dị ứng và cách nhiệt tốt.
Chọn giày theo lứa tuổi: Bàn chân trẻ con có những đặc điểm khác với người lớn. Không thể cho trẻ mang giày người lớn kích thước nhỏ. Xương chúng còn đang tiếp tục phát triển nên tuyệt đối không cho chúng mang giày có mũi nhọn vì nó sẽ làm lệch hướng và gây biến dạng khớp bàn đốt ngón chân.
Da trẻ mềm mại nên lớp lót trên đế giày cũng phải làm bằng các chất liệu mềm và đàn hồi để có thể ôm sát da chân. Nhờ vậy tránh được hình thành các cục chai dưới gan chân. Chức năng giữ thăng bằng của trẻ chưa hoàn thiên nên dễ té. Vì thế nên không cho bé gái mang giày gót nhọn dễ làm các cháu bị trật cổ chân.
Chọn giày theo giới tính: Phụ nữ thường rất thích mang giày cao gót để giúp cải thiện chiều cao và nhất là tạo dáng đi lắc lư quyến rũ. Tuy nhiên chính nó cũng là nguyên nhân gây ra chứng đau lưng, đau gối, đau cổ chân, bàn chân, bắp chân và nhiều thứ khác nữa.
Những lưu ý khi mang giày cao gót là bước đi phải thật chậm rãi, bước ngắn. Khi lên xuống thang lầu cần nắm chắc tay vịn. Không nên đi đứng quá lâu trên đôi giày cao gót. Hãy ngồi nghỉ ngay khi có thể làm được điều đó. Đối với đàn ông, khuyết điểm lớn nhất thường gặp là ít chịu thay giày.
Giày cũ sẽ tạo ra nhiều cục chai trên gan chân nhất là đễ gót và chỏm xương bàn. Các cục chai này sẽ gây đau khi đi lại. Nguyên nhân là các lớp đệm xốp trong giày bị xẹp. Đế giày trở nên cứng. Chưa kể đế giày bị mòn không đều do quá trình sử dụng trên nhiều địa hình.
Điều này khiến áp lực phân phối trên da bàn chân thay đổi và tạo ra cục chai. Các nghiên cứu cho thấy đôi giày không nên mang quá một năm trong điều kiện làm việc văn phòng. Với các địa hình đặc biệt dễ ma sát, hao mòn cao, thì không quá 6 tháng.
Tốt nhất là thay giày ngay khi có dấu hiệu báo động của cơ thể như đau nhức ở bàn chân hay chớm tạo cục chai. Nghề nghiệp: Tùy theo công việc của mình mà mang loại giày thích hợp vì chính nó cũng là dụng cụ bảo hộ lao động.
Công việc văn phòng: Văn phòng thường lót gạch sàn trơn láng nên chọn đế giày có độ bám cao. Lên xuống thang lầu nhiều nên chọn giày có miệng cao trên mắc cá để phòng ngừa té trẹo cổ chân. Cần đi lại nhiều và nhanh tránh mang giày gót nhọn dễ vấp té.
Lao động ngoài trời: Leo trèo thì nên mang giày vải, đế dẻo có độ bám cao để bàn chân có thể vận động linh hoạt. Đi lại trên mặt phẳng gồ ghề nên chọn đế cứng, gót bản rộng, miệng giày cao, mũi giày cứng. Những vũ công, người mẫu thời trang vì nghề nghiệp đòi hỏi phải mang giày cao gót để tạo bước đi uyển chuyển và gợi cảm. Bước đi nên chậm và tránh đứng lâu. Khi xong việc nên xoa bóp, ngâm chân nóng - lạnh hoặc thể dục trị liệu để bảo dưỡng đôi chân.
Thể thao: Đa số các môn thể thao đều đòi hỏi chạy nhảy, vận động nặng. Chính vì thế khi chơi môn nào nên chọn mua loài giày đặc hiệu cho môn đó. Đặc điểm chung của giày thể thao là có lớp đệm hoặc cạnh trong cao hơn nhằm ôm khít hình vòm của của bàn chân. Đế giày có tính đàn hồi cao để giúp tăng độ nhún, ví dụ lớp đệm hơi, gai cao su…
Một số đặc điểm riêng cho các loại giày như giày đá banh phải có mũi giày cứng để chịu sự va chạm với bóng, đế gai để tăng độ bám dính với sân cỏ dễ trợt té. Giày bóng chuyền, bóng rổ có mũi giày mềm để nhảy cao đánh bóng. Đế đệm hơi, cao su đàn hồi tốt để tăng độ nhún. Sinh hoạt vui chơi: Dã ngoại ngời trời nên chọn giày cho phù hợp với hoàn cảnh và thời tiết. Không mang giày vải để đi vùng biển, sông nước hay trời mưa. Dép nhựa có quai hậu là thích hợp nhất. Đi núi không nên mang giày cao gót. Ngồi xe lâu nên mang vớ thun, tránh giày chật và cứng. (BS. Huỳnh Bá Lĩnh Theo KHPT)
Tags: giay thoi trang nu, giay nu
0 nhận xét:
Đăng nhận xét